Theo hồ sơ bệnh án, Phạm Văn Trói (SN 1978, ngụ thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ) bị mắc bệnh “viêm da lạ” vào ngày 5/2/2012, được điều trị hết và ra viện. Sau đó, bệnh nhân Trói tái phát lần 1 vào ngày 12/4/2012, với biến chứng nặng hơn và được điều trị ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.
Vào thời điểm năm 2012, gia đình bệnh nhân Trói có 4/6 người mắc Hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, trong đó chị Phạm Thị Triêu - vợ bệnh nhân Trói đã tử vong vào ngày 30/5/2012.
Sau thời gian dài lặng dịu, đến ngày 14/3/2014, bệnh nhân Trói được phát hiện tái phát lần 2. Tuy nhiên, bệnh nhân này không chịu đến Trung tâm Y tế và bệnh viện điều trị theo yêu cầu chuyên môn mà ở nhà thuê thầy cúng.
Ông Lê Huy, Chánh Văn phòng Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết: “Sau khi hợp tác với ngành y tế lần đầu tiên phát hiện, bệnh nhân Phạm Văn Trói tự ý trốn khỏi Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ về nhà trong đêm 3 lần, rồi uống rượu nhiều lần, đây là tác hại xấu làm men gan tăng. Đến nay, tình trạng bệnh không tiến triển nhưng bệnh nhân kiên quyết không chịu vào viện điều trị”.
Với tình trạng bất hợp tác điều trị Hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân trên, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đã cử cán bộ, bác sĩ đem thuốc đến tận nhà bệnh nhân Trói để điều trị theo liệu trình phát đồ của Bộ Y tế và có nhân viên y tế túc trực theo dõi.

Hiện nay, Ba Tơ tiếp tục phát hiện 35 trường hợp men gan tăng sau khi khám sàng lọc. 
Hạt gạo có màu sẫm và mốc như thế này được kiểm nghiệm hàm lượng aflatoxin cao hơn quy định. Qua kiểm nghiệm 10 mẫu (gồm lúa và gạo), Viện Vệ sinh – Y tế công cộng TPHCM cho kết quả các mẫu gạo và lúa đều nhiễm nấm mốc, với tổng men – mốc A.fumigatus, A.flavus, Fusarium.spp, Penicillium.spp, A.candidus và độc tố nấm mốc aflatoxin (G1, B1, G2, B2).
Ông Lê Huy cho rằng: “Khó khăn lớn nhất hiện nay, một số bệnh nhân không tuân thủ điều trị theo chuyên môn và không chịu vào viện điều trị, điển hình như bệnh nhân Phạm Văn Trói”.
Hồng Long