Báo động đỏ ngày cuối tuần…

Một ca cấp cứu báo động đỏ đã được xử lý thành công nhờ sự phối hợp tốt giữa các khoa phòng. Thay vì chọn phương án chuyển viện, các bác sỹ bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức đã quyết định tiến hành một ca mổ đầy khó khăn.

Cụ thể, Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức vừa cấp cứu thành công một nam bệnh nhân 70 tuổi bị vết thương vùng cổ. Ths. Bs Đặng Nguyên Hoàng kể lại: “Trong ca trực của ngày chủ nhật 2-4, ngay khi nhận được thông báo từ điều dưỡng tôi chạy vội qua thì thấy trước mặt là một bệnh nhân nam, trung niên, đang nằm trên băng ca, máu chảy ướt đẫm toàn thân, sàn nhà, phía bên cổ trái của bệnh nhân là 1 vết thương rất dài, máu vẫn chảy không ngừng. Lúc bệnh nhân vừa nhập viện vẫn còn khá tỉnh táo, huyết áp #120/90 nhưng chỉ vài phút sau huyết áp rớt nhanh, bệnh nhân rơi vào trạng thái kích thích, nôn mửa, sau lơ mơ dần. Vết thương kim khí vùng cổ + choáng mất máu. Đây rõ ràng là một case tiên lượng nặng. Nhưng một điều tệ hơn nữa là bệnh nhân có tiền sử stent mạch vành, đang sử dụng thường xuyên thuốc kháng tiểu cầu kép. Tiểu cầu đã bị ức chế, không cầm máu được, máu chảy lại mất thêm tiểu cầu, tử vong là điều không tránh khỏi …”

Ngay lập tức bệnh viện được báo động đỏ. Với sự nỗ lực của các điều dưỡng cấp cứu đã xử lý băng ép mạch cảnh bài bản với nẹp gỗ, lấy vein, bù dịch, bơm thuốc, đặc biệt là lấy máu sẵn sàng cho các xét nghiệm tiền phẫu nếu được chỉ định. Sau khi kiểm tra cận lâm sàng X quang và siêu âm trực tiếp ngay tại cấp cứu, với sự hỗ trợ của các bác sỹ ngoại khoa và gây mê hồi sức ca mổ đã diễn ra nhanh chóng và kịp thời.

Sau những giờ phút cam go trong phòng mổ, dưới sự hỗ trợ của bác sỹ Vũ Lâm (Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình) và bác sỹ Bửu Thuyên (Khoa phụ sản) vết thương dài khoảng 20cm đã dần được khống chế.

Bác sỹ Hoàng chia sẻ: “Từ khi vào đến khi lên phòng mổ, tổng lượng dịch máu đã mất # hơn 2 lít, hồng cầu lúc vào là 3.6, sau đó chỉ còn 1.8, tiểu cầu giảm nặng. Thật sự biết ơn các bạn điều dưỡng cấp cứu và gây mê vòng ngoài đã làm việc rất tốt để liên hệ mua HC khối và huy động người nhà máu toàn phần. Lúc này, 1 đơn vị máu toàn phần được hiến đã lên đến phòng mổ (có cả một ít tiểu cầu và yếu tố đông máu), và đây chính là khối máu vô giá. Máu được truyền ngay trong ca mổ. Dù đã đóng vết mổ, nhưng các y bác sỹ gây mê rất kiên nhẫn vẫn cho duy trì thuốc mê, dãn cơ thêm đến tận 30p để duy trì huyết áp thấp cùng với đè ép trực tiếp. Cho đến khi máu đã tạm ngừng chảy.”

Tổng cộng có đến 7 đơn vị máu đã được truyền sau đó.

Một cuộc chạy đua với tử thần có sự tiếp sức của toàn viện, mỗi người một việc đã bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân trước tình huống ngàn cân treo sợi tóc!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *