Nội soi phế quản có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán, phát hiện ra nguyên nhân của các vấn đề hô hấp như loại bỏ các dị vật đường hô hấp, khó thở, chảy máu hoặc ho kéo dài…
Nội soi phế quản là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ kiểm tra tình trạng bên trong đường dẫn khí đi vào bên trong phổi . Qua kết quả chỉ định nội soi phế quản, bác sĩ có thể chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân các vấn đề sức khỏe liên quan đến đường hô hấp của người bệnh.
Khi được chỉ định nội soi phế quản, người bệnh thường lo lắng các vấn đề như nội soi phế quản có đau không, thời gian thực hiện ra sao,… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm các thông tin cơ bản về nội soi phế quản, cụ thể bao gồm: nội soi phế quản để làm gì, ai nên nội soi phế quản, quy trình nội soi phế quản diễn ra như thế nào, nội soi phế quản có đau không, nội soi phế quản bao lâu có kết quả,…
Nội soi phế quản là gì?
Nội soi phế quản là phương pháp sử dụng một ống mềm nhỏ, có gắn nguồn sáng và máy thu hình đưa vào phế quản, giúp bác sĩ có thể nhìn trực tiếp vào đường dẫn khí từ ngoài vào phổi. Qua kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này, bác sĩ có thể quan sát thấy toàn bộ đường dẫn khí như thanh quản, khí quản, phế quản và các nhánh nhỏ của phế quản. Hiện nay, tại các bệnh viện thường sử dụng 2 loại ống nội soi phế quản là ống nội soi cứng và ống nội soi mềm. Trong đó, ống nội soi mềm có thể linh hoạt hơn và đi vào các đường dẫn khí nhỏ nên thường được lựa chọn sử dụng nhiều hơn.
Tùy trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định nội soi phế quản thông qua đường mũi hoặc đường miệng. Lúc này, bác sĩ nội soi sẽ đưa ống nội soi di chuyển xuống cổ họng của người bệnh rồi đi qua thanh quản, khí quản và phế quản gốc để vào phế quản hai bên phổi và các cấp phân chia của cây phế quản.
Vai trò của nội soi phế quản là gì?
Nội soi phế quản sẽ giúp phát hiện các bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi mãn tính, u sùi trong lòng phế quản ,… khi người bệnh có những biểu hiện bất thường (khó thở, ho dai dẳng, ho ra máu,…). Ngoài ra, kết quả nội soi cũng có thể phát hiện các dị vật tại đường hô hấp hoặc các bất thường ở phổi và phế quản như một số vị trí tại đường hô hấp bị hẹp.
Vai trò của nội soi phế quản còn được dùng để lấy mẫu mô của người bệnh, hỗ trợ cho việc xét nghiệm, kiểm tra tình trạng của khối u để đánh giá được diễn tiến bệnh, độ lan rộng của khối u ung thư, khối u trong đường thở và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Các dị vật trong đường thở cũng có thể được loại bỏ trong quá trình thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản.
Đối tượng cần thực hiện nội soi phế quản
Các trường hợp người bệnh thường sẽ được bác sĩ chỉ định nội soi phế quản gồm có:(2)
- Người bị ho ra máu
- Người ho dai dẳng, có các triệu chứng như khó thở, ho dai dẳng không hết (thường kéo dài trên 3 tháng nhưng không rõ nguyên nhân)
- Người hít phải các khí độc, hóa chất độc hại
- Người có dị vật trong đường thở
- Có khối u ở phổi, bị xẹp phổi hoặc có hạch bạch huyết,…
- Bị nhiễm trùng phổi và phế quản
- Nghi ngờ bệnh mô kẽ phổi
- Bị nghẽn đường thở do chất dịch, đàm nhớt
Quy trình nội soi phế quản
1. Chuẩn bị trước khi nội soi
Nội soi phế quản có nguy hiểm không? Quy trình nội soi như thế nào?
Nhiều người cảm thấy lo lắng không biết nội soi khí quản mất bao lâu, có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe không? Thực tế, quy trình thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản không phức tạp, có tính an toàn cao nên người bệnh có thể an tâm.
Để bắt đầu nội soi phế quản, người bệnh sẽ được hướng dẫn chi tiết về quy trình nội soi và ký vào giấy đồng ý thủ thuật. Sau đó, người bệnh được lấy máu bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nhịn ăn ít nhất 4 tiếng.
2. Tiến hành nội soi
Khi bước vào phòng nội soi, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh nằm lên giường, điều chỉnh tư thế sao cho đầu cao hơn người, cổ ngửa ra sau. Lúc này, bác sĩ sẽ dùng thuốc tê xịt vào miệng, cổ họng của người bệnh để quá trình nội soi phế quản diễn ra dễ dàng hơn, người bệnh không hoặc ít có cảm giác buồn nôn, khó chịu.
Sau khi thực hiện gây tê xong, bác sĩ sẽ bắt đầu đặt ống nội soi qua miệng hoặc lỗ mũi người bệnh, từ từ đưa xuống phổi để kiểm tra đường hô hấp.
3. Sau nội soi
Sau khi nội soi phế quản, người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn nghỉ ngơi và đợi kết quả. Vì nội soi phế quản có thể gây mệt mỏi cho người bệnh nên các bác sĩ thường không khuyến khích người bệnh làm việc hay hoạt động mạnh ngay sau khi nội soi.
Nội soi phế quản ở đâu?
Các thắc mắc thường gặp về nội soi phế quản
Nội soi phế quản có đau không?
Nhìn chung, người bệnh khi nội soi phế quản có thể cảm thấy hơi khó chịu, cổ họng có cảm giác nóng, rát và hơi đau. Tuy nhiên, cảm giác đau khi nội soi vẫn có thể chịu được và trong quá trình nội soi có thuốc tê nên người bệnh cũng không cần phải quá lo lắng.
Nội soi phế quản có nguy hiểm không?
Nội soi phế quản được xem là một thủ thuật an toàn, ít nguy cơ gặp biến chứng. Tuy vậy, trong một số trường hợp có thể gặp phải các rủi ro như: khó thở, đau họng, khàn tiếng, rối loạn nhịp tim sau khi nội soi, chảy máu tại vị trí sinh thiết (chảy một lượng máu nhỏ hoặc xuất huyết), cảm giác ngạt thở khi nuốt, nhiễm trùng, sốt, nhồi máu cơ tim đối với những người bị bệnh tim, dị ứng, nồng độ oxy trong máu thấp, tràn khí màng phổi,…
Nội soi phế quản mất bao lâu có kết quả?
Thông thường, kết quả nội soi phế quản sẽ có trong ngày. Người bệnh có thể được hướng dẫn ở lại bệnh viện chờ bác sĩ đọc kết quả hoặc được hẹn sang hôm sau nếu nội soi vào buổi chiều muộn. Với kết quả sinh thiết (nếu có), phải chờ khoảng 1 tuần.
Nội soi phế quản có phát hiện bệnh lao phổi/ung thư phổi?
Ngoài những công năng giúp cho bác sĩ quan sát những tổn thương đường dẫn khí, nội soi phế quản còn tạo thuận lợi cho bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm tại nơi tổn thương để làm xét nghiệm. Khi bệnh nhân có tổn thương gợi ý ung thư phổi, thì việc nội soi phế quản có kèm sinh thiết là một cặp xét nghiệm vô cùng cần thiết.
Kỹ thuật nội soi phế quản đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát, chẩn đoán các bệnh lý đường hô hấp, phát hiện các dị vật tại đường hô hấp, kiểm tra và đánh giá tình trạng khối u tại phổi và đường hô hấp. Người bệnh khi có các triệu chứng bất thường không nên chần chừ mà cần tìm đến các bệnh viện uy tín để thực hiện nội soi phế quản. Hiện nay, để thực hiện nội soi phế quản, Khoa nội soi tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức là đơn vị uy tín hàng đầu. Bệnh viện đầu tư hệ thống máy móc xét nghiệm, nội soi hiện đại tiên tiến. Song song đó, bệnh viện còn quy tụ các bác sĩ giỏi chuyên môn giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả và tiết kiệm nhất có thể cho người bệnh