Rắn lục cắn

Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm thích hợp với rất nhiều loại rắn độc sinh sống, ví dụ: rắn hổ mang, rắn lục, rắn cạp nia… Hằng năm, Đơn vị Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức tiếp nhận hàng chục trường hợp bị rắn cắn, trong đó nhiều nhất là rắn lục chiếm tỉ lệ cao nhất.
Khi bị rắn lục cắn, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng: Hình 2, 3, 4
Tại chỗ: có hai dấu răng cách nhau khoảng 1 cm, sưng đau bầm tím chảy máu, có thể nổi bọng nước, nhiễm trùng, hội chứng chèn ép khoang, nổi hạch gốc chi.
Toàn thân: các dấu hiệu xuất huyết như chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, tiểu máu, xuất huyết kết mạc mắt, xuất huyết não… do rối loạn đông máu gây ra, sốc do mất máu, suy thận cấp.
Nhiều trường hợp nặng đã được y văn thế giới báo cáo do bệnh nhân bị rắn cắn ở rừng núi xa cơ sở y tế, thời gian vận chuyển kéo dài, độc lực của rắn cắn cao gây chảy máu nặng không được dùng huyết thanh kháng nọc rắn kịp thời. Tuy vậy vẫn có nhiều trường hợp phải cắt cụt chi do mắc sai lầm trong xử trí ban đầu: bệnh nhân được ga rô quá chặt gây hoại tử, chích rạch vết thương sử dụng các loại lá cây để đắp gây nhiễm trùng tại chỗ nguy cơ cắt cụt chi.
Vì vậy , khi phát hiện bệnh nhân bị rắn cắn cần phải:
Trấn an giảm lo lắng cho bệnh nhân.
Rửa sạch vết thương, không chích rạch và không bôi bất kỳ chất gì lên vết thương.
Cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi sưng nề.
Băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc ga rô tĩnh mạch (không ga rô động mạch – băng quá chặt).
Bất động chi cắn bằng nẹp, không để bệnh nhân tự đi lại.
Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn.
Khi đưa bệnh nhân đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, bệnh nhân sẽ được sát trùng tại chỗ rắn cắn, tiêm huyết thanh phòng uốn ván, dùng kháng sinh dự phòng, sau đó sẽ được chuyển lên Đơn vị Hồi sức tích cực. Lúc này bác sĩ sẽ xem xét dùng huyết thanh kháng nọc rắn lục tre nếu có chỉ định.
Gần đây, ngày 9/4/2022 Đơn vị Hồi sức tích cực tiếp nhận bệnh nhân D.T 64 tuổi bị rắn lục cắn khi phát quang bụi rậm gần ruộng, theo lời bệnh nhân kể: bị rắn lục kích thước khoảng 30 cm cắn vào ngón cái bàn tay phải, chỉ sau vài giờ vết cắn sưng to lan qua khuỷu tay đến tận cánh tay, kết quả xét nghiệm: tiểu cầu còn 72. 000/ mm3 ( bình thường 150.000/ mm3 – 450. 000/ mm3), thời gian đông máu kéo dài. Sau khi chuyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc lục tre, vết sưng ở cánh cẳng bàn tay phải xẹp hẳn, xét nghiệm tiểu cầu, thời gian đông máu về bình thường. Bệnh nhân được chuyển ra khỏi phòng Hồi sức sau 3 ngày điều trị. Sau đó bệnh nhân ổn định được cho ra viện.
Rắn lục cắn là bệnh nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Khi phát hiện bị rắn lục cắn, người nhà cần trấn an tâm lý bệnh nhân, sơ cứu ban đầu đúng cách, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở Y tế sẵn có huyết thanh kháng nọc rắn.
Ths. Bs Nguyễn Đức Tình – Ths. Bs. Nguyễn Xuân Tài
Đơn vị Hồi sức tích cực – Khoa Nội A – Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức.

🏥 Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức

✔️Quốc lộ 1A, Phường Điện Nam Trung, Thị xã Điện Bàn,Tỉnh Quảng Nam

☎Hotline cấp cứu: 0235 3 767 555

☎Hotline CSKH: 0235 2 46 46 44