Viêm thực quản do thuốc

Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức vừa phát hiện một trường hợp viêm loét thực quản do dùng thuốc bằng phương pháp nội soi

Viêm thực quản do thuốc là tình trạng tổn thương niêm mạc thực quản gây ra bởi các loại thuốc, tác nhân thường gây độc trực tiếp lên niêm mạc thực quản. bệnh được Pemberton mô tả đầu tiên vào năm 1970 khi thấy bệnh nhân bị loét thực quản sau khi uống những viên Kali Clorid.

Nguyên nhân:

Hơn 30 loại thuốc có thể gây viêm thực quản khác nhau ở mỗi cơ địa.

  • Thuốc kháng sinh: một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm thực quản bao gồm: tetracyclines,đặc biệt là doxycycline. các loại khác có thể gây viêm thực quản bao gồm: clindamycin, amoxicillin, metronidazole, ciprofloxacin, rifaximin, etc.
  • Thuốc giảm đau chống viêm Non-steroidal (NSAIDs): aspirin và declofenac.
  • Bisphosphonates: alendronate, ibandronate. Risedronate
  • Ascorbic acid
  • Kali chloride và sắt sulfate
  • Acetaminophen
  • Warfarin
  • Các thuốc hóa trị: dactinomycin, daunorubicin, bleomycin, methotrexate, 5-fluorouracil, cytarabine, và vincristine gây viêm thực quản có thể do viêm niêm mạc họng miệng.
  • Xạ trị vùng ngực
  • Các thuốc khác: thuốc tăng huyết áp, quinidine, glimepiride, tiropramide, pinaverium bromide, esomeprazole, etc.

Cơ chế:

Tác nhân kích thích trực tiếp niêm mạc thực quản làm tổn thương hàng rào bảo vệ niêm mạc, sự tiếp xúc và kích thích kéo dài làm tổn thương niêm mạc. một số cơ chế liên quan đến cơ địa người bệnh.

Cơ chế liên quan đến thuốc

Tính chất gây bỏng axit tại chỗ và tăng thẩm thấu của thuốc có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản.

Thuốc giải phóng kéo dài có khả năng gây viêm thực quản cao hơn so với các chế phẩm khác. Tương tự như vậy, viên nang gelatin có nhiều khả năng gây viêm thực quản vì bản chất hút ẩm chúng trở nên dính và dính vào thành thực quản; có thể do áp lực cơ học lên thành thực quản hoặc do tổn thương hóa học đối với niêm mạc sau khi thuốc được giải phóng khỏi viên nang.

Cơ chế liên quan đến bệnh nhân:

Liên quan đến bệnh nhân chủ yếu bao gồm các yếu tố làm kéo dài thời gian vận chuyển thuốc trong thực quản. Lượng nước bọt tiết ra ít do tuổi cao, giải phẫu thực quản thay đổi, uống thuốc ngay trước khi ngủ và rối loạn vận động đều có thể dẫn đến tăng thời gian vận chuyển thuốc qua thực quản. Yếu tố khác là uống thuốc không đủ nước và ở tư thế nằm nghiêng. Trong một nghiên cứu, những người tình nguyện khỏe mạnh cho thấy quá trình di chuyển thuốc ở thực quản bị chậm (hơn 90 giây) ở những đối tượng uống thuốc ở tư thế nằm nghiêng và uống ít hơn 100 ml nước. Nhiều chế phẩm thuốc dính vào niêm mạc thực quản và rã ra ở đoạn dưới thực quản. Nghiên cứu kết luận rằng bệnh nhân nên uống thuốc với ít nhất 100 ml nước ở tư thế đứng để tránh nguy cơ viêm thực quản do thuốc và nên cân nhắc dùng thuốc dạng lỏng ở bệnh nhân nằm liệt giường và bệnh nhân khó nuốt.

Trong viêm thực quản do thuốc, nội soi đường tiêu hóa trên thường cho thấy tổn thương hay gặp ở 1/3 giữa thực quản do đây là vị trí hẹp của thực quản; đoạn giữa thực quản có thể bị chèn ép từ bên ngoài bởi cung động mạch chủ hoặc giãn nhĩ trái ( trong bệnh van hai lá), do đó dễ bị tổn thương do thuốc hơn. Viêm thực quản cũng có thể xảy ra ở gần tâm vị. Tương tự như vậy, những bệnh nhân bị thoát vị hoành dễ bị viêm thực quản do thuốc hơn. Tổn thương bao gồm loét, dễ chảy máu niêm mạc, phù nề hoặc viêm. Đôi khi cũng có thể nhìn thấy cặn thuốc, hoặc lớp phủ thuốc. Nội soi có thể cho thấy các biến chứng như hẹp hoặc dày thành, loét chảy máu thực quản.

Triệu chứng bệnh và tiền sử:

Sau khi uống thuốc không đủ nước hoặc uống ở tư thế nằm nghiêng, uống thuốc ngay trước khi đi ngủ với ít nước hoặc không uống nước. vài giờ sau bệnh nhân có biểu hiện: đau ngực sau xương ức hoặc ợ nóng, khó nuốt hoặc nuốt đau. Các triệu chứng thường khởi phát đột ngột, ngắt quãng và tự giới hạn. Đôi khi bệnh nhân có thể bị đi ngoài phân đen do chảy máu liên quan đến loét thực quản. Các triệu chứng khởi phát đột ngột có thể là do thuốc giải phóng các chất hóa học, sau đó làm tổn thương niêm mạc.

Viêm thực quản do thuốc ở trẻ em:

Trẻ em có các triệu chứng khó nuốt, đau ngực sau xương ức, nuốt đau và nôn nên nghi ngờ viêm thực quản do thuốc nếu có bất kỳ tiền sử dùng thuốc nào gần đây. Viêm thực quản do thuốc có thể xảy ra ở trẻ em dùng thuốc dạng viên nang hoặc dạng viên nén. Uống không đủ nước và uống thuốc trước khi đi ngủ thường là những yếu tố nguy cơ liên quan đến trẻ em. Các biến chứng nghiêm trọng hiếm gặp ở trẻ em bị viêm thực quản do thuốc, nhưng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong có tương quan với các chế phẩm sắt và kali.

Chẩn đoán

Dựa vào lâm sàng: bệnh nhân có biểu hiện đau sau xương ức, nuốt khó, nuốt đau, và có tiền sử uống thuốc gần đây.

Nội soi để khẳng định chẩn đoán và là tiêu chuẩn vàng để đánh giá viêm thực quản do thuốc. Thường cần thiết cho những bệnh nhân có các triệu chứng dai dẳng sau khi ngừng thuốc thủ phạm trong một tuần hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng nhưng khá hiếm gặp như nôn ra máu, khó nuốt, đi ngoài phân đen và đau bụng. Các dấu hiệu trên nội soi bao gồm:

  • Ban đỏ và mòn niêm mạc thực quản
  • Loét và chảy máu
  • Lớp phủ bằng nguyên liệu thuốc
  • Mảnh thuốc
  • Loét kissing

Điều trị:

Nguyên tắc: Ngưng loại thuốc gây viêm thực quản, điều trị hỗ trợ, thay đổi lối sống

  • Ngừng thuốc gây viêm thực quản (nếu được). Hoặc thay thế thuốc từ dạng viên sang dạng lỏng.
  • Điều trị ngắn hạn bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thuốc kháng axit. PPI được cho là rất hữu ích với đặc tính ức chế axit vì trào ngược axit dạ dày có thể góp phần làm trầm trọng thêm tổn thương thực quản.
  • Sucralfat đường uống – Tạo thành hàng rào bảo vệ cục bộ và có tác dụng bảo vệ tế bào.
  • Một số bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng kéo dài hàng tuần đến hàng tháng có thể dùng lidocaine tại chỗ để giảm bớt các triệu chứng.
  • Ở những bệnh nhân khó nuốt, có thể xem xét nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch trong một thời gian ngắn (nhưng thường là không cần thiết).
  • Tránh thực phẩm gây kích ứng như đồ quá nóng hoặc quá lạnh hoặc có tính axit.

Phòng ngừa

  • Uống thuốc với nhiều nước ít nhất 200 tới 250 ml nước.
  • Không nằm nghiêng khi uống thuốc
  • Uống thuốc trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút
  • Có thể ăn sau khi uống thuốc .

Tiên lượng

Viêm thực quản do thuốc có thể khỏi hoàn toàn sau khi điều trị bảo tổn, bệnh nhân thường hết triệu chứng trong 1 tuần sau khi bắt đầu điều trị, niêm mạc thực quản sẽ phục hồi trong giai đoạn này. Việc nội soi đánh giá lại thường không cần thiết nếu bệnh nhân hết triệu chứng và không có các dấu hiệu của biến chứng

Biến chứng:

  • Xuất huyết tiêu hoá
  • Hẹp thực quản
  • Thủng thực quản
  • Tụ máu thực quản
  • Viêm trung thất
  • Hiện nay bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức có đầy đủ cơ sở vật chất và bác sỹ giỏi chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị. Nếu nghi ngờ mình bị mắc các bệnh liên quan đến viêm loét đường tiêu hóa quí bệnh nhân vui lòng liên hệ Hotline 1900 4405 (phím 4) để được tư vấn chi tiết.
  •                                                                           Thông tin chuyên môn từ bác sỹ Phạm Minh Ngọc – Khoa nội soi tiêu hóa

 

Leave a Reply