Cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp cơ bản.

 

                                                                                      

  1. NGƯNG TIM

Ngưng tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ, trong đó 70% các trường hợp ngưng tim ngoại viện diễn ra tại nhà và khoảng 50% trường hợp xảy ra không có người chứng kiến. Kết cục khá xấu: chỉ 10.8% bệnh nhân trưởng thành ngưng tim không do chấn thương được hồi sức từ các dịch vụ y tế khẩn cấp sống sót cho tới khi ra viện.

  • Định nghĩa :

Ngưng tim (Cardiac arrest) là tình trạng tim không còn hoạt động tạo ra co bóp có ý nghĩa khiến ngưng trệ dòng máu tuần hoàn, dẫn đến thiếu máu nuôi hoàn toàn các cơ quan. Ngưng hô hấp( respiratory arrest) không nhất thiết phải kèm ngưng tim, nhưng nếu không được can thiệp sẽ diễn tiến nhanh chóng đến ngưng tim, tức ngưng tuần hoàn hô hấp. Tuỳ theo dự trữ sinh lý trước khi xảy ra ngưng tim, ngưng tim nếu không được can thiệp đúng sẽ đẫn đến tử vong trong vòng từ 3-5 phút. Mục tiêu điều trị chính của ngưng tim là khôi phục hoàn toàn chức năng tim và não.

  • Cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp cơ bản- Basic life support(BLS)

BLS là nền tảng để cứu sống bệnh nhân sau khi bị ngưng tim. Các thành phần cơ bản của BLS dành cho người lớn bao gồm nhận biết ngay lập tức trường hợp ngưng tim đột ngột, khởi động hệ thống phản ứng khẩn cấp CPR sớm và khử rung nhanh với máy khử rung ngoài tự động (automated external defibrillator- AED). Nhận biết ban đầu và phản ứng với cơn đau tim và đột quỵ cũng là một phần của BLS.

  1. CHUỖI SINH TỒN- CHAIN OF SURVIVAL

“ Chuỗi sinh tồn” đề cập tới chuỗi các sự kiện phải được diễn ra theo thứ tự và nhanh chóng để tối đa hoá khả năng sống sót sau ngưng tim, bao gồm:

  • Nhận biết ngưng tim ngay lập tức và kích hoạt hệ thống phản ứng cấp cứu.
  • Thực hiện CPR ngay khi nghi ngờ, nhấn mạnh tầm quanh trọng của nhấn ngực.
  • Khử rung nhanh.
  • Hồi sức tim phổi nâng cao hiệu quả.
  • Chăm sóc lồng ghép sau ngưng tim.
  1. CẤP CỨU NGỪNG TUẦN HOÀN HÔ HẤP CƠ BẢN- BASIC OF LIFE SUPPORT- BLS

3.1. Định nghĩa:

Được thực hiện bởi người phát hiện đầu tiên( lay rescuer), bằng những động tác đơn giản nhất, không sử dụng hay chờ đợi các phương tiện khác ngoài đôi bàn tay, giúp giữ được tính mạng của bệnh nhân ngưng tim.

3.2. Mục tiêu:

Giữ được tưới máu vành và não ở mức độ tối thiểu trong khi chờ các phương tiện cấp cứu ngưng tim cao cấp và trúng đích hơn. ILCOR 2015 nhận định: hồi sức ngưng tim chính là chuỗi các thao tác nhằm hồi sức tim- não. Điều này giảm bớt tầm quan trọng của thông khí, nhấn mạnh tầm quan trọng của tưới máu tim và não.

3.3. Sinh lý của hồi sức tim phổi- CPR( Cardio Pulmonary Resusciation)

CPR có mục đích cung cấp máu được Oxy hoá tối thiểu đến nuôi tim và não ở mức độ cơ bản. CPR làm tăng khả năng có nhịp tự phát trở lại và tăng khả năng thành công của sốc điện. Khuyến cáo thực hành hồi sinh tim phổi của AHA năm 2010 nhấn mạnh tầm quan trọng của nhấn ngực khi thay đổi trình tự hồi sức từ A-B-C sang C-A-B. Ưu tiên nhấn ngực hơn thổi ngạt, tận dụng tối đa lượng Oxy còn trong máu, lượng khí dự trữ trong phổi và khả năng huy động một phần khí một phần khi nhấn ngực.

  1. SINH LÝ CỦA NHẤN TIM NGOÀI LỒNG NGỰC

4.1. Pha nhấn ngực( compress):

Pha nhấn ngực làm tăng áp suất trong lồng ngực và trực tiếp ép lên tim, từ đó đẩy máu trong buồng tim và trong lồng ngực đến nuôi não. Pha nhấn ngực tương đương với thì tâm thu của CPR. Trong pha tâm thu này, máu ở tim phải được đẩy lên hệ thống động mạch phổi, tạo điều kiện máu được oxy hoá và thải một phần CO2. Áp lực lồng ngực tăng khiến tăng áp lực tĩnh mạch ngược dòng, làm giảm hồi lưu máu tĩnh mạch từ não về tim, gây tăng thoáng qua áp lực nội sọ. Ở bệnh nhân chưa có thông khí áp lực dương, pha nhấn ngực còn tác động lên lượng khí trong phổi, đẩy một phần khí trong phổi ra ngoài.

4.2. Pha buông tay:

Trong pha buông tay, thành ngực bung trở lại khi xương ức trở về vị trí tự nhiên hoặc trung tính. Sự bung trở lại hoàn toàn của lồng ngực tạo một áp lực âm tương đối trong lồng ngực, giúp đưa máu từ tĩnh mạch hệ thống về tim phải và rút máu từ hệ mạch phổi về tim trái. Pha buông tay cho ngực nở lại tương đương với thì tâm trương của CPR. Về sinh lý, tim được tưới máu trong thì tâm trương. Vậy để để tưới máu tim hiệu quả, CPR cần phải tạo được một huyết áp tâm trương đủ cao( >40mmHg), tức một áp lực tưới máu vành đủ cao(>15mmHg). Tưới máu vành tốt sẽ giảm tình trạng toan hoá trong mô cơ tim, tránh sự cạn kiệt ATP trong tế bào tạo nhịp và tế bào cơ thất, giúp tăng tỉ lệ có nhịp trở lại và tăng khả năng tim đáp ứng với sốc điện.

Mọi yếu tố tác động làm tăng áp suất lồng ngực hay làm giảm độ chênh lệch áp suất tạo ra giữa 2 pha nhấn ngực – buông tay đều làm giảm chất lượng và hiệu quả của CPR. Người thực hiện CPR nếu tì đè vào thành ngực liên tục, không cho lồng ngực bung lại hoàn toàn ở thì buông tay sẽ làm tăng áp lực trong lồng ngực, giảm hồi lưu tĩnh mạch, giảm áp lực tưới máu vành và đồng thời làm tăng áp lực nội sọ kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng thành công của hồi sức tim- não. Nhấn tim quá nhanh >120l/p sẽ rút ngắn thời gian tâm trương, lượng máu về thấp, tiền tải không đủ để tưới máu não. Ngoài ra, khi tốc độ nhấn ngực trên 120l/p thì chiều sâu nhấn ngực sẽ giảm dần” phụ thuộc liều”.

  1. SINH LÝ CỦA THỔI NGẠT

Mục tiêu của thổi ngạt( hay thông khí) trong CPR là oxy hoá máu và thải CO2 vừa đủ cho nhu cầu tối thiểu của tim và não. Trong vòng một phút sau ngưng tim do rung thất, thổi ngạt không quan trọng bằng nhấn tim vì lượng oxy trong máu động mạch vẫn không đổi cho đến khi bắt đầu CPR. Trữ lượng oxy này vẫn tiếp tục đủ cho đến vài phút đầu CPR. Ngoài ra việc cố gắng mở thông đường thở và thổi ngạt sẽ làm chậm trễ việc nhấn tim.

  1. QUY TRÌNH CẤP CỨU NGỪNG TUẦN HOÀN HÔ HẤP CƠ BẢN:

Nhận diện:

Nhìn: không tỉnh, ngưng thở hoặc thở ngáp.

Lay gọi: không đáp ứng

Đảm bảo vùng an toàn:

Di chuyển bệnh nhân ra vùng an toàn trước khi tiến hành cấp cứu

Đặt bệnh nhân nằm ngang trên mặt phẳng cứng. Tháo lỏng cà vạt, dây nịt.

Gọi viện trợ:

Gọi to kiếm người trợ giúp. Người trợ giúp gọi cho lực lượng cấp cứu, hoặc kiếm máy sốc điện tự động nếu có.

Xác định tình trạng ngưng tim, ngưng thở:

Ngưng thở: nhìn sự di động của lồng ngực. Đặt tay lên ngực, cảm nhận được sự di động của lồng ngực. Kề má vào mũi bệnh nhân, cảm nhận luồng khí thở ra. Bệnh nhân được xác định là ngừng thở nếu không có hoạt động di động của lồng ngực hoặc đang thở ngáp cá( gasping).

Ngưng tim: Bắt mạch trung tâm, ưu tiên mạch cảnh: dùng 2 ngón tay cảm nhận mạch cảnh ở mức 1/3 giữa cơ ức đòn chũm, không bắt mạch 2 bên cùng lúc. Bắt mạch bẹn nếu không thể tiếp cận mạch cảnh bộc lộ bắt mạch bẹn, vị trí 1/3 trong nếp bẹn.

KHÔNG BẮT MẠCH QUÁ 10s. Nếu không rõ, xem như bệnh nhân không có mạch.

6.1. Nhấn tim ngoài lồng ngực- Chest compression:

Yêu cầu tư thế: bệnh nhân nằm ngửa, ngang đầu bằng, trên mặt phẳng cứng. Người thực hiện quỳ gối ở một bên bệnh nhân, 2 đầu gối song song với nhân bệnh nhân, cách một khoảng 10cm.

Vị trí đặt tay: chính giữa ½ dưới xương ức của bệnh nhân

Cách đặt tay: áp cườm 1 bàn tay lên vị trí đã xác định, áp cườm bàn tay còn lại lên phía trên, các ngón tay cài vào nhau.

Cách nhấn: thẳng người, đảm bảo trục nối các điểm: vai- khuỷu tay- cườm tay của người thực hiện thẳng hàng nhau; hai cánh tay luôn thẳng trục, đảm bảo không gập khuỷu ở cả 2 pha nhấn và buông tay.

Yêu cầu về thao tác: lực nhấn ngực là lực của thân người thực hiện CPR, truyền từ 2 vai dồn xuống cườm tay, đến lồng ngực bệnh nhân. Nhấn ngực liên tục, hạn chế mọi gián đoạn. Gián đoạn nếu có không được quá 5-10s. Tần số từ 100-120l/p. nhấn đủ sâu 5cm, không quá 6cm. Đảm bảo lồng ngực nở lại hoàn toàn sau mỗi pha nhấn xuống.

6.2. Khai thông đường thở- Airway

–     Trong trường hợp ngưng tim không trong bối cảnh chấn thương: ngửa đầu, nâng cằm. Nếu trong miệng có đàm nhớt, chất ói hoặc dị vật, nghiêng toàn bộ thân người bệnh nhân sang một bên, mở miệng bệnh nhẹ để các chất ói tự trôi ra. Không móc họng bệnh nhân. Nếu thấy rõ dị vật, dị vật ở gần bên ngoài: có thể dùng tay lấy, nếu không, không cố gắng lấy dị vật vì có thể làm nó vào sâu hơn.

Nếu nghi ngờ chấn thương cột sống cổ: Kĩ thuật nâng hàm

  • Trong trường hợp dị vật đường thở:

Các dấu hiệu của tắc nghẽn đường thở nghiêm trọng: ho không thành tiếng, tím tái hoặc không thể nói, không thở được hoặc thở rít. Nạn nhân có thể bóp lấy cổ. Người hiện diện cần nhanh chóng đặt câu hỏi” bạn bị ngẹt thở không”, nếu bệnh nhân gật đầu >> có tắc nghẽn đường thở nghiêm trọng>> cần giải phóng sự tắc nghẽn.

Nếu sự tắc nghẽn nhẹ và bệnh nhân ho dữ đội >> Không can thiệp vào nỗ lực ho và thở của bệnh nhân lúc này.

6.3. Thổi ngạt- Breath

Thực hiện thổi ngạt miệng-miệng có thể trực tiếp hoặc qua dụng cụ bảo vệ ( nếu có).

Nguyên nhân hay gặp của việc thông khí không hiệu quả là do chưa khai thông đường thở tốt. Vì vậy, nếu lồng ngực bệnh nhân không nâng lên với lần thổi ngạt đầu tiên, cần kiểm tra lại đường thở và tiến hành khai thông hiệu quả.

Phối hợp nhấn ngực- thổi ngạt: tỷ lệ 30:2

Nhấn ngực đơn thuần: trong tình huống ngưng tim có chứng kiến được tiến hành nhấn ngực ngay, hoặc khi người thực hiện chưa được huấn luyện, hướng dẫn của ILCOR 2015 cho phép thực hiện nhấn ngực đơn độc cho đến khi có người trợ giúp, hoặc khi máy sốc điện sẵn sàng. Thời gian cho phép nhấn đơn độc từ 2-3 phút đầu.

Sau mỗi 2p CPR có thể ngưng lại để kiểm tra mạch. Thời gian kiểm tra mạch không được dài quá 10s.

Chuyển đổi nhiệm vụ giữa 2 người cấp cứu: khi có từ 2 nhân viện cứu hộ trở lên có thể chuyển đổi vị trí người nhấn ngực khoảng mỗi 2 phút( hoặc sau khoảng 5 chu kì nhấn ngực thông khí với tỷ lệ 30:2) nhằm tránh tình trạng giảm dần chất lượng trong thao tác nhấn ngực. Mọi nỗ lực nên cố gắng để việc thay đổi này diễn ra nhỏ hơn 5s.

Tư thế hồi phục( recovery position)

Trong trường hợp bệnh nhân có nhịp tự phát trở lại >> đặt bệnh nhân ở tư thế hồi phục: Bệnh nhân nằm ngang trên mặt phẳng cứng, toàn thân nghiêng sang một bên, điểm trụ là đầu gối, khuỷu tay, một bàn tay bệnh nhân đưa lên đỡ phần đầu, mặt. Tư thế hồi phục cũng được sử dụng trong các trường hợp hôn mê đơn thuần có nhịp thở bình thường và tuần hoàn hiệu quả. Tư thế nằm giúp các chất nôn ói hoặc đàm nhớt chảy ra ngoài theo trọng lực, giảm khả năng hít sặc của bệnh nhân.

  1. KẾT LUẬN

Ngưng tim là tình huống lâm sàng mà mọi nhân viện y tế đều có thể gặp. Tỷ lệ tử vong tăng nhanh ứng với mỗi phút ngưng tim trôi qua nếu không được can thiệp tức thời và hiệu qủa. Cấp cứu ngưng tim cơ bản là thực hiện những thao tác trong tầm tay để cứu mạng bệnh nhân. Hồi sức tim phổi cơ bản bao gồm tiến hành CPR chất lượng ngay lập tức, khai thông đường thở an toàn và thổi ngạt hiệu quả, vừa đủ, kết hợp khử rung sớm nếu có phương tiện.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CẤP CỨU NGỪNG TUẦN HOÀN HÔ HẤP NÂNG CAO

Advanced Cardiac Life Support- ACLS

                                                                Bs.Trần Trung Thực- Khoa Cấp cứu

DANH MỤC VIẾT TẮT

ACLS: cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp nâng cao

VF: rung thất

VT: nhịp nhanh thất vô mạch

AS: vô tâm thu

PEA: hoạt động điện vô mạch

ROSC: khôi phục lại tuần hoàn tự nhiên

ETCO2: thán đồ CO2 trong khí thở ra

ILCOR: uỷ ban liên lạc quốc tế về hồi sức.

  1. MỤC TIÊU CỦA ACLS: kiểm soát tưới máu não và tim hiệu quả; sốc điện và điều trị rối loạn nhịp; tìm và điều trị nguyên nhân ngưng tim; kiểm soát đường thở chắc chắn; nhanh chóng tái lập lại tuần hoàn hiệu quả; hồi sức tối ưu sau ngưng tim giúp phục hồi chức năng thần kinh nguyên vẹn.
  2. NỀN TẢNG CỦA QUY TẮC XỬ TRÍ NGƯNG TUẦN HOÀN HÔ HẤP NÂNG CAO ACLS

Các biểu hiện nhịp tim trong ngưng tim được chia thành 2 nhóm: các nhịp sốc điện được ( rung thất/ nhịp nhanh thất vô mạch- VF/VT) và các nhịp không sốc điện được( Vô tâm thu-AS và hoạt động điện vô mạch- PEA). Hai nhóm nhịp ngưng tim này khác nhau về tiên lượng, nguyên nhân, cách xử trí, trong đó khác biệt chính trong điều trị là nhu cầu khử rung ở các bệnh nhân có VF/VT. Các xử trí khác bao gồm nhấn ngực, quản lý đường thở và thông khí, lập đường truyền tĩnh mạch và nhận diện các yếu tố có thể đảo ngược được thì giống nhau ở cả hai nhóm.

2.1 Các nhịp sốc điện được( VF/VT):

Tiến hành sốc điện:

  • Thực hiện nhấn ngực liên tục trong khi dán các pad điện cực để phá rung- Một đặt dưới xương đòn phải và còn lại đặt ở khoang liên sườn 6 đường nách giữa.
  • Lên kế hoạch hành động trước khi tạm ngưng CPR để phân tích nhịp.
  • Ngừng nhấn ngực, xác định nhịp là VF/VT trên ECG. Việc ngừng nhấn ngực không quá 5s.
  • Nhấn ngực lại ngay, cảnh báo các thành viện cấp cứu “ tránh ra” trừ người đang nhấn ngực và bỏ các thiết bị cung cấp oxy nếu cần thiết.
  • Người sốc điện lựa chọn mức năng lượng thích hợp trên máy khử rung và nhấn nút sạc. Sốc điện không đồng bộ. Lựa chọn cài đặt mức năng lượng cho cú sốc đầu tiên cho từng loại sóng, mức năng lượng bằng hoặc cao hơn cho các lần sốc tiếp theo, hoặc theo hướng dẫn của thiết bị phá rung. Nếu không chắc chắn về mức năng lượng chính xác cho thiết bị khử rung, chọn mức năng lượng cao nhất có thể.
  • Chắc chắn rằng người đang nhấn ngực là người duy nhất đang chạm vào bệnh nhân.
  • Một khi thiết bị khử rung đã sạc xong và quá trình kiểm tra an toàn hoàn tất, nói người nhấn ngực tránh ra, khi đã an toàn, thực hiện sốc.
  • Sau khi sốc điện: quay lại CPR ngay lập tức. Không tốn thời gian bắt mạch hay kiểm tra monitor. Thực hiện CPR sau sốc điện đủ 2phút trước khi ngưng lại để kiểm tra monitor.
  • Hoặc nếu có dấu hiệu hồi phục tuần hoàn tự nhiên( ETCO2 tăng nhanh), có thể tạm ngưng CPR để kiểm tra monitor và đanh giá nhịp tim.

2.2 Các nhịp không sốc điện được( PEA và AS)

Hoạt động điện vô mạch(PEA) được định nghĩa ngừng tim xảy ra trong lúc có hoạt động điện mà đáng lẽ bình thường phải taọ ra được mạch bắt được. Những bệnh nhân này thông thường có hoạt động co cơ tim về mặt cơ học, tuy nhiên nó quá yếu để có thể tạo nên được tưới máu có ý nghĩa ( bắt mạch được hoặc huyết áp). Khả năng hồi phục sau ngưng tim do vô tâm thu hay PEA rất thấp, trừ khi ngưng tim do một nguyên nhân có thể điều trị hiệu quả.

  • Cho Adrenalin 1mg IV ngay khi có đường truyền tĩnh mạch. Dùng thêm liều adrenalin 1mg IV mỗi 3-5 phút.
  • Tìm và điều trị các nguyên nhân có thể hồi phục được.

Các nguyên nhân ngưng tim với PEA/AS có thể điều trị được: 5H, 5T

Hypoxia – giảm oxy máu

Hypovolemia- giảm thể tích

Hydrogen ion- nhiễm toan

Hypo-/Hyperkalemia- giảm/ tăng kali máu

Hypothermia- hạ thân nhiệt.

Toxins- độc chất

Tamponade- chèn ép tim

Tension pneumothorax- TKMP áp lực

Thrombo pulmonary– thuyên tắc phổi

Thrombo coronary – thuyên tắc tim

  • Dùng siêu âm trong lúc hồi sinh tim phổi nâng cao:

Siêu âm có trọng điểm trong ACLS được thực hiện với điều kiện chỉ làm gián đoạn tối thiểu thời gian ngừng nhấn ngực.Vị trí đặt đầu dò được khuyến cáo là dưới mũi kiếm xương ức.

Các protocols chuyên biệt tiếp cận ngưng tim bằng siêu âm trong CPR giúp nhanh chóng nhận diện hoặc loại trừ các nguyên nhân ngưng tim có thể can thiệp ( chèn ép tim, thuyên tắc phổi, giảm thể tích, tràn khí màng phổi). Mất vận động của tim trên siêu âm trong lúc hồi sức bệnh nhân ngưng tim là dấu tiên đoán cao của tử vong mặc dù độ nhạy và độ đặc hiệu chưa được báo cáo.

  1. THUỐC

3.1 Đường dùng thuốc:

Nếu một loại thuốc được sử dụng qua đường tĩnh mạch ngoại biên( IV), thuốc đó phải được tiêm bolus, theo sau là 20ml bolus dịch truyền tĩnh mạch để dòng chảy thuốc từ chi có thể vào được trung tâm.

Nếu không có đường truyền tĩnh mạch, cân nhắc dùng đường truyền trong xương (IO) đã được chứng minh là hiệu quả ở người lớn.

Nếu không có đường truyền TM hoặc trong xương, epinephrin, vasopressin và lidocain có thể dùng qua NKQ khi ngưng tim, liều thường gấp 2-2,5 lần liều truyền tĩnh mạch.

3.2 Dịch truyền

Giữ đường truyền tĩnh mạch luôn sẵn sàng với dịch tinh thể đẳng trương, dung dịch chọn lựa là NaCl 0,9%.

3.3 Các thuốc  được khuyến cáo sử dụng

  • Adrenalin:

Sử dụng Adrenalin chỉ được chứng minh có lợi ích cho tiên lượng ngắn hạn (ROSC và tỷ lệ nhập viện) và không đủ bằng chứng cho tỷ lệ sống còn và biến chứng thần kinh. Theo hướng dẫn của AHA 2015: dùng adrenalin liều tiêu chuẩn ( 1mg IV mỗi 3-5 phút); không dùng liều cao.

Trong ngưng tim với nhịp không sốc điện được: dùng adrenalin càng sớm càng tốt. Adrenalin trong AS/PEA giúp tăng tỷ lệ ROSC nhưng không tăng tỷ lệ hồi phục nguyên vẹn chức năng thần kinh. Ngoài ra, cần một CPR chất lượng, taọ áp lực tưới máu vành tối thiểu >10mmHg, để Adrenalin có thể đến được tuần hoàn vành. Các nghiên cứu ghi nhận, sau liều adrenalin lặp lại thứ 3, hiệu quả trên tăng cung lượng tim hoặc tưới máu cơ quan ít cải thiện. Liều cao adrenalin hay liều tích luỹ adrenalin lớn gây thiếu máu nuôi cơ quan, tăng nhu cầu sử dụng oxy cơ tim, tăng chuyển hoá yếm khí ở mô cơ tim, tỷ lệ thuận với mức độ suy tạng sau ROSC.

Đối với ngưng tim sốc điện được, adrenalin giúp tăng lưu lượng máu cơ tim và khả năng ROSC. Nếu cú sốc điện không tạo được nhịp tưới máu, vận mạch tăng lưu lượng máu cơ tim cho cú sốc tiếp theo. Nếu cú sốc taọ được nhịp tưới máu, liều bolus vận mạch vào bất cứ lúc nào trong 2 phút CPR lại có thể gây hại, do làm tăng hậu tải cơ tim, tăng tỷ lệ tái VF/VT. Theo hướng dẫn của AHA 2015, nếu VF/VT kéo dài sau 1 lần sốc với 2 phút nhấn ngực, adrenalin 1mg IV được cho sau mỗi chu lỳ 2 phút nhấn ngực.

-Amiodarone:

Dùng amiodarone trong trường hợp VF/VT kháng trị: 300mg hoặc 5mg/kg sau 3 lần sốc điện thất bại. Có thê dùng lidocain thay thế cho amiodarone trong VF/VT kháng trị

-Magne sulphat:

Việc sử dụng Mg thường quy cho VF/VT không được khuyến cáo. Mg là một yếu tố quan trọng trong điều hoà Natri, Kali, calci qua màng tế bào và là một chất giãn mạch. Chỉ định dùng Magne sulphat trong trường hợp xoắn đỉnh.

  1. ĐƯỜNG THỞ- Airway

Đường thở chắc chắn, cố định.

Thông khí vừa đủ

Mục tiêu: tạo ta đường thở thông thoáng, giúp thông khí hiệu quả.

Đường thở cơ bản có hỗ trợ:

Vẫn thao tác ngửa đầu- nâng hàm trong BLS, đường thở trên có thể được trợ giúp một phần bằng cách đặt airway miệng.

Đường thở nâng cao:

  • Tạm thời (transient airway): các thiết bị đường thở trên nắp thanh thiệt như mask thanh quản (LMA).
  • Chắc chắn ( defiitive airway): ống nội khí quản (NKQ)/ Mở khí quản.

Lưu ý: đảm bảo nhấn gián đoạn nhấn ngực tối thiểu khi đặt NKQ hay mask thanh quản. KHÔNG MẤT THỜI GIAN NHẤN NGỰC ĐỂ CỐ GẮNG ĐẶT NKQ NẾU VẪN CÓ THỂ BÓP BÓNG MASK HIỆU QUẢ.

  1. THÔNG KHÍ- Breathing

Nguyên tắc giống như trong BLS, thông khí với bóng mask là lựa chọn kiểm soát đường thở đầu tiên trong mọi tình huống ngưng tim. Khi đã lập được đường thở chắc chắn (NKQ), thông khí sẽ được thực hiện độc lập với nhấn ngực.

Phương tiện:

Bóng giúp thở

Mặt nạ (mask)

Thao tác: bóp bóng oxy 100%, nếu đã có đường thở nâng cao, bóp bóng độc lập với nhấn ngực, tần số 10l/p. Bóp bóng trong vòng 1s, thả ra cho bóng nở lại. Mỗi nhịp thở từ 6-8s. Bóp bóng vừa đủ để thấy lồng ngực nhô lên.

Thông khí trì hoãn: đối với ngưng tim ngoại viên có chứng kiến với nhịp sốc được, nhóm cấp cứu có thể trì hoãn thông khí áp lực dương bằng cách sử dụng phương pháp 3 chu kì với 200 lần ấn tim liên tục với thổi oxy thụ động và hỗ trợ đường thở.

  1. KẾT LUẬN

Chất lượng CPR, bao gồm gián đoạn tối thiểu nhấn ngực, kết hợp với khử rung sớm là nền tảng hồi sức ngưng tim thành công. Việc hồi phục lại chức năng tim với tưới máu cơ quan đủ là định nghĩa của một ROSC thành công. Việc hồi phục lại chức năng não bình thường là định nghĩa của hồi sức ngưng hô hấp tuần hoàn thành công. Hồi sức một bệnh nhân ngưng tim không chỉ là đạt được ROSC, mà là một chuỗi kết nối các điều trị hồi sức tiếp theo và bệnh nguyên nhằm đưa người bệnh ngưng tim quay về cuộc sống với chức năng và sức khoẻ như bàn đầu.

 

DANH MỤC VIẾT TẮT

BLS: Cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp cơ bản

AED: Máy khử rung ngoài tự động

CPR: Hồi sức tim phổi

AHA: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *