Ths BS Trịnh Thanh Trầm
BS CKI Nguyễn Duy Ánh
Một nữ bệnh nhân sinh năm 1997 có tiền sử Viêm dạ dày HP (+) nhập viện cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức với biểu hiện đau bụng cấp kèm buồn nôn. Bệnh nhân đau nhiều vùng thượng vị không thể nằm thẳng hoặc duỗi chân. Được chẩn đoán và điều trị ban đầu theo hướng Viêm dạ dày. Ngày sau, tình trạng đau bụng của bệnh nhân không cải thiện được xem xét chẩn đoán Theo dõi Thủng bít dạ dày-tá tràng. Sau khi chụp CT Scaner 512 lát cắt kết luận có tắc nghẽn ở ống mật chủ khả năng do sỏi.
Sau khi đánh giá tình trạng bệnh nhân, Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) được thực hiện nhằm mục đích lấy sỏi mật điều trị tắc đường mật. Tiến hành thăm dò đường mật thấy hình ảnh khuyết trong ống mật chủ, dùng dụng cụ lấy ra được vật thể xác định hình ảnh con sán dẹt.
Bộ phận Ký sinh trùng xác nhận mẫu lấy từ bệnh nhân là Sán lá gan lớn, tên khoa học là Fasciola gigantica. Xét nghiệm huyết thanh học (xét nghiệm ELISA ) của bệnh nhân về sán lá gan lớn được thực hiện sau đó có kết quả dương tính (kết quả 2,04 OD – ngưỡng cho phép ≤0,1OD). Bệnh nhân được tiếp tục điều trị bệnh sán lá gan với Triclabendanzol 250 mg x 04 viên/ngày, liều duy nhất.
Về bệnh sán lá gan lớn
Loài Fasciola gigantica phân bố chủ yếu ở Châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn quốc, Philippines và Việt Nam). Ở Việt Nam cho đến nay bệnh sán lá gan lớn đã xuất hiện ở 47 tỉnh, thành phố; tỷ lệ nhiễm cao nhất ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên (Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai và TP. Đà Nẵng) (1).
Vật chủ chính là động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu; người chỉ là vật chủ ngẫu nhiên, tình cờ mắc bệnh; vật chủ trung gian truyền bệnh là ốc họ Lymnaea.
Thời gian ủ bệnh của sán lá gan lớn phụ thuộc vào số lượng ấu trùng ăn vào và đáp ứng của vật chủ. Ở người, giai đoạn này không xác định được chính xác nhưng có một số tác giả cho rằng giai đoạn này là vài ngày, vài tuần hoặc vài ba tháng, thậm chí lâu hơn.
Thời kỳ lây truyền: sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán tiếp tục xâm nhập vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng, trứng được bài xuất ra ngoài theo phân và xuống nước nở thành ấu trùng lông rồi qua ốc và phát triển thành ấu trùng đuôi và nang trùng bám vào rau thủy sinh hoặc bơi trong nước, nếu người hoặc động vật ăn cỏ ăn phải nang trùng sẽ vào dạ dày tới ruột rồi lên gan và ký sinh tại gan. Tại gan, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm.
Phương thức lây truyền: người bị nhiễm bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong…) hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán.
Bệnh sán lá gan có thể có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, từ không có triệu chứng đến các triệu chứng ở hệ tiêu hóa.
Nhiễm trùng này tiến triển theo hai giai đoạn: giai đoạn gan cấp tính và giai đoạn tắc mật mãn tính. Các triệu chứng thường gặp trong giai đoạn đầu là đau bụng, sốt và gan to, kèm theo tăng bạch cầu ái toan.
Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, sán xâm nhập vào hệ thống đường mật và gây ra triệu chứng tắc nghẽn đường mật. Vì ký sinh trùng không đẻ trứng trong giai đoạn cấp tính của bệnh nên xét nghiệm ELISA nhanh hơn và hữu ích hơn so với xét nghiệm phân trực tiếp.
Kết luận và khuyến cáo phòng bệnh
Thể bệnh sán lá gan ký sinh trong đường mật không phổ biến, trong khi đó lâm sàng thường gặp hơn là thương tổn nhu mô gan (abces gan do sán lá gan) nên các bác sĩ cần lưu ý về thể bệnh này ở các vùng bệnh lưu hành. Bệnh sán lá gan lớn có các thể bệnh lâm sàng phức tạp khó chẩn đoán. Trường hợp cấp có thể chẩn đoán nhầm với Bệnh lý dạ dày có thủng, Cơn đau quặn gan do sỏi, trường hợp nặng hơn có thể chẩn đoán nhầm với ung thư đường mật (2). Trong khi đó thuốc điều trị hiệu quả hiện nay chỉ có một loại thuốc là trichlabendazole, vì vậy dự phòng nhiễm sán lá gan lớn trong cộng đồng nên được ưu tiên.
Biện pháp dự phòng chính là không ăn các rau trồng dưới nước chưa nấu chín kỹ như: rau muống, rau ngổ, ngó sen, rau đắng, rau răm….
Mọi người dân khi có các biểu hiện như đau bụng vùng gan, đau bụng trên, cần đến cơ sở y tế để được khám và làm các xét nghiệm kiểm tra. Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức có đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán bệnh do sán lá gan lớn, đồng thời có đội ngũ chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan để điều trị và theo dõi bệnh do ký sinh trùng (nhiễm giun sán các loại).
Tài liệu tham khảo:
- https://vncdc.gov.vn/benh-san-la-gan-nd14535
- https://bvydhue.vn/tin-tuc/thong-tin-y-te/bao-cao-truong-hop-san-la-gan-lon-gay-tac-nghen-duong-mat-va-khuyen-cao-du-phong-1438