ERCP là gì?
Endoscopic Retrograde Cholangio-Pancreatography – Nội Soi Mật Tụy Ngược Dòng, gọi tắt là ERCP, là một kỹ thuật nội soi tá tràng dưới màn hình tăng sáng (X-quang) dùng để khảo sát và điều trị các vấn đề về ống mật, ống tụy, và túi mật. Ống mật là các ống dẫn dịch mật từ gan và túi mật; còn ống tụy dẫn dịch tụy từ tụy, cả hai ống này đều đổ dịch vào tá tràng, là phần đầu tiên của ruột non.
Qua máy nội soi dạ dày – tá tràng, một ống catheter sẽ được đưa vào đường mật hoặc đường tụy, sau đó, thuốc cản quang sẽ được bơm ngược chiều vào các ống này. Phim X-quang sẽ được chụp sau khi bơm thuốc cản quang để thu được hình ảnh ống mật, tụy rõ nét. Hình ảnh thu được sẽ giúp chẩn đoán chính xác các tình trạng bệnh lý như u đường mật, sỏi ống mật, hẹp đường mật, sỏi tụy,… Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ kết hợp thực hiện các kỹ thuật can thiệp như cắt cơ vòng, đặt stent để dẫn lưu dịch mật, lấy sỏi trong bệnh lý sỏi ống mật,… Hiện nay, ERCP rất ít khi được sử dụng cho mục đích chẩn đoán đơn thuần mà chủ yếu được dùng như một kỹ thuật điều trị. ERCP có thể thay thế được hầu hết các phẫu thuật ở bệnh nhân mắc bệnh ống mật chủ và ống tụy.
ERCP được xem là cách thức xâm lấn ở mức độ tối thiểu, bác sĩ tiếp cận can thiệp qua ngã vào tự nhiên của ống tiêu hóa, hoàn toàn không cần rạch da nên không gây đau đớn. Chính vì thế, thời gian hồi phục khá nhanh và người bệnh mau chóng trở về sinh hoạt như bình thường.
ERCP được thực hiện như thế nào?
ERCP được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc bác sĩ phẫu thuật, người được đào tạo chuyên khoa về kỹ thuật này. Bệnh nhân được tiền mê hoặc gây mê toàn thân nên trong quá trình thực hiện thủ thuật bệnh nhân sẽ không cảm giác khó chịu hay đau, bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây mê khám và tư vấn trước thủ thuật.
Ống soi là một ống dài, mềm, đầu có gắn đèn và camera. Bệnh nhân được đặt nằm nghiêng trái hoặc nằm sấp trên bàn chuyên dụng, một dụng cụ nhỏ bằng nhựa sẽ được đặt vào miệng bệnh nhân để giúp bảo vệ răng và nướu. Ống soi được đưa vào miệng, đi qua thực quản, dạ dày, rồi đến nơi ống mật đổ vào tá tràng; đây gọi là nhú tá tràng. Một ống thông bằng nhựa (mỏng) được luồn vào trong ống soi để đi đến đầu ống rồi sau đó đưa vào nhú tá tràng và ống dẫn mật. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang vào ống dẫn mật và tiến hành chụp X-quang. Bằng cách khảo sát ống dẫn mật theo cách này, các hình ảnh tắc nghẽn, sỏi mật, khối u, hoặc các bất thường của ống dẫn đều có thể được phát hiện.
Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể thực hiện các kỹ thuật để can thiệp điều trị hoặc cải thiện tình trạng. Ví dụ, nếu phát hiện có sỏi, bác sĩ có thể nong hoặc cắt rộng nhú tá tràng để lấy sỏi ra khỏi ống dẫn mật bằng dây dẫn. Nhú có cơ vòng thường được cắt bằng dao đốt (có dòng điện) trong quá trình thủ thuật (cắt cơ vòng), giúp ống dẫn mật được dẫn lưu tốt hơn. Nếu có tình trạng hẹp ống mật, bác sĩ sẽ đặt một ống nhựa hoặc kim loại ngắn gọi là giá đỡ (stent) vào chỗ hẹp để dẫn lưu dịch mật. Nếu có u, bác sĩ sẽ bấm lấy mẫu sinh thiết làm giải phẫu bệnh để xem bản chất khối u và có hướng điều trị sau này.
Thời gian thực hiện thủ thuật kéo dài từ 30 phút đến hơn một giờ.
Bệnh nhân cần chuẩn bị gì để thực hiện ERCP?
Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhịn ăn uống trước thủ thuật. Dạ dày phải được làm sạch để có thể quan sát toàn diện. Dạ dày sạch còn giúp giảm nguy cơ nôn ói và hít sặc.
Bệnh nhân nên trao đổi về tất cả các loại thuốc đang dùng, các bệnh mạn tính hiện mắc, tình trạng dị ứng thuốc (đặc biệt là iốt hoặc các thuốc cản quang đường tĩnh mạch) với bác sĩ điều trị và bác sĩ gây mê, vì một số loại thuốc cần được điều chỉnh hoặc tạm thời ngưng sử dụng và một số bệnh nền cần kiểm tra, điều trị ổn định trước thủ thuật.
Theo dõi sau thủ thuật ERCP?
Khi thực hiện xong thủ thuật, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng hồi tỉnh và theo dõi cho đến khi thuốc an thần hết tác dụng. Đôi khi bệnh nhân cảm thấy hơi khó chịu ở vùng bụng do khí vẫn còn trong ruột. Thông thường, tình trạng này sẽ giảm sau ợ hơi hoặc xì hơi. Đau họng là tình trạng xảy ra khá phổ biến và thường khỏi trong 1 đến 2 ngày. Khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, bác sĩ gây mê sẽ chỉ định cho bệnh nhân xuất khỏi phòng hồi tỉnh về phòng điều trị, và bệnh nhân có thể xuất viện sau 2 – 3 ngày nếu không có biến chứng gì xảy ra.
Bệnh nhân cần liên hệ bác sĩ ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây sau khi thực hiện ERCP:
• Sốt hoặc ớn lạnh
• Đau bụng dữ dội
• Nôn ói
• Khó nuốt
• Cảm giác ‘lạo xạo’ dưới da
• Chướng bụng nhiều làm cứng và đau khi sờ chạm
• Chảy máu (phân có lẫn máu tươi, nâu sẫm hay đen, hoặc nôn ra máu)
Các biến chứng có thể xảy ra với ERCP?
Thủ thuật ERCP thường an toàn và dễ chịu nhưng vẫn có một số nguy cơ liên quan đến thủ thuật như:
• Chảy máu: có thể xảy ra, đặc biệt là khi cắt cơ vòng của nhú tá tràng. Chảy máu thường không đáng kể và sẽ tự khỏi. Nếu tình trạng này xảy ra trong thủ thuật thì có thể được điều trị bằng các kỹ thuật nội soi, như kẹp clip cầm máu, tiêm epinephrine (thuốc co mạch), hoăc sử dụng dao đốt điện..
• Nhiễm trùng ống mật (viêm ống mật): có thể xảy ra, đặc biệt là khi ống mật không được dẫn lưu tốt. Một số bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh trong thủ thuật và trong một vài ngày sau khi thực hiện ERCP.
• Viêm tụy: xảy ra từ 3% đến 7% số bệnh nhân có thực hiện ERCP. Tình trạng này có thể nhận biết khi cơn đau bụng dữ dội hơn và không thuyên giảm bằng cách ợ hơi hoặc xì hơi. Phần lớn trường hợp viêm tụy sau khi thực hiện ERCP thường nhẹ, hiếm khi nó có thể trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và cần phải nhập viện.
• Lỗ thủng hoặc rách ở thực quản, dạ dày, ruột non, hoặc ống dẫn mật: mặc dù đây là biến chứng hiếm gặp và có thể tự khỏi, nhưng nó có thể trở nên nghiêm trọng và thậm chí cần phẫu thuật để điều trị.
• Hít sặc: có thể xảy ra khi thức ăn từ dạ dày trào ngược lên cổ họng và bị hít vào đường thở, gây khó thở hoặc viêm phổi. Các bệnh nhân đã nhịn ăn uống đủ thời gian trước thủ thuật sẽ giảm thiểu nguy cơ này.
• Tác dụng không mong muốn với thuốc an thần hoặc gây mê.
Thực hiện thủ thuật ERCP tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức
• Thủ thuật ERCP tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức đã được triển khai từ lâu, với nội soi chẩn đoán và điều trị bằng máy móc và kỹ thuật hiện đại nhất;
• Thủ thuật được thực hiện tại phòng mổ của Khoa Gây mê Hồi sức, đảm bảo sự an toàn, thoải mái và yên tâm cho người bệnh. Các dụng cụ nội soi được tiệt khuẩn và khử khuẩn nghiêm ngặt, quá trình thực hiện luôn tuân thủ các nguyên tắc vô trùng để đảm bảo ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh cho bệnh nhân và nhân viên y tế;
• Bệnh nhân được gây mê toàn thân, với dụng cụ đường thở và máy móc hiện đại, đảm bảo an toàn nhất, người bệnh sẽ không có cảm giác đau, kích thích khi thực hiện thủ thuật;
• Thời gian thực hiện nhanh, an toàn, ít xảy ra biến chứng với tỉ lệ thành công cao;
• Đội ngũ bác sĩ uy tín hàng đầu có nhiều kinh nghiệm;
• Sau thủ thuật bệnh nhân được theo dõi nghiêm ngặt bởi đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp, có thể phát hiện sớm các biến chứng để xử lý kịp thời.
🏥 Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức
✔️Quốc lộ 1A, Phường Điện Nam Trung, Thị xã Điện Bàn,Tỉnh Quảng Nam
☎Hotline cấp cứu: 0235 3 767 555
☎Hotline CSKH: 0235 2 46 46 44