Bệnh Lao là gì?
Bệnh Lao là một bệnh thuộc bệnh lý bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Loại vi khuẩn này có thể sinh trưởng trong môi trường tối, ẩm thấp và dễ chết khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hay ánh sáng mặt trời. Do vi khuẩn thường tập trung nhiều tại đờm của bệnh nhân, nên nguồn lây chủ yếu đến từ người mắc bệnh truyền sang người lành thông qua đường hô hấp, qua những giọt nhỏ li ti thoát ra không khí qua ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, đờm vãi … Vì vậy, thể Lao phổi cũng là thể thường gặp nhất, đôi khi lây lan sang các cơ quan khác và mức độ thường nặng nề. Bất kỳ một tổn thương phổi hay có các triệu chứng hô hấp, chẩn đoán Lao phổi cần được xác định hay loại trừ. Chính vì vậy, cần chủ động xét nghiệm Lao để chẩn đoán sớm là cần thiết trước khi vi khuẩn đã làm tổn thương các cơ quan, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao .
Việc chẩn đoán bệnh Lao ngoài dựa vào các triệu chứng điển hình của bệnh thì xét nghiệm tìm vi khuẩn Lao đóng vai trò quyết định. Khi đã được chẩn đoán Lao, việc điều trị cần tuân thủ đúng theo phác đồ và kiểm tra định kì. Khi thực hiện được như vậy, khả năng kiểm soát Lao sẽ thành công cũng như giảm thiểu nguy cơ lây lan cho người trong gia đình cũng như cộng đồng.
Những triệu chứng của bệnh Lao
1, Triệu chứng toàn thân :
– Sốt : Khoảng 80% bệnh nhân thường gặp những cơn sốt nhẹ kéo dài, xuất hiện vào thời điểm chiều tối hoặc sốt về đêm. Một số bệnh nhân có thể gặp cơ sốt cao cộng với rét run.
– Thể trạng gầy sút nhanh.
– Cơ thể mệt mỏi, chán ăn.
– Tiết nhiều mồ hôi vào ban đêm.
Các triệu chứng của thiếu máu : da xanh xao, nhợt nhạt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn,…
– Bệnh lao còn có thể gây nên tình trạng mất kinh nguyệt ở nữ giới.
2, Triệu chứng đường hô hấp : Tùy theo thể trạng của người bệnh nhân có thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng như sau :
– Ho khan : Tần suất ít, khiến nhiều bệnh nhân chủ quan và không chú ý việc mình bị ho. Tình trạng ho khan thường có triệu chứng sốt nhẹ kéo dài kèm theo (trên 3 tuần nghi ngờ nhiễm Lao).
– Ho có đờm : Bệnh nhân khạc ra đờm trắng sau ho với số lượng ít.
Ho ra máu : Có thể lẫn đờm với máu nhưng không nhiều. Nhưng nếu triệu chứng diễn biến nặng có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu và gây tắc phế quản.
– Đau ngực, đau khi hít vào hoặc đau khi ho.
– Khó thở : Liên quan đến tình trạng phổi tràn ngập dịch đàm và vi khuẩn, khu vực tổn thương lan rộng. Một số ít bệnh nhân có thể nghe được tiếng thở rít.
Các kỹ thuật cận lâm sàng để chẩn đoán Lao được thực hiện như thế nào ?
Có rất nhiều kỹ thuật cận lâm sàng được sử dụng để chẩn đoán bệnh Lao, tùy thuộc đối tượng đang được nhân định mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh. Chính vì thế, việc lựa chọn thực hiện xét nghiệm nào là tùy thuộc vào quyết định và thăm khám của bác sĩ cũng như điều kiện tại cơ sở y tế thực hiện thăm khám.
1, Chẩn đoán Lao phổi
– Bác sĩ sẽ nghi ngờ vi khuẩn Lao gây bệnh Lao tại phổi – cơ quan thường gặp nhất – là khi người bệnh đi khám vì các triệu chứng hô hấp kéo dài.
– Việc chẩn đoán Lao phổi đầu tiên là dựa vào phim chụp X-quang ngực để tìm kiếm những tổn thương trong nhu mô phổi có gợi ý do vi khuẩn Lao gây ra hay không : Bệnh nhân sẽ được chụp X-quang để xem xét mức độ thâm nhiễm, tổn thương của phổi, cũng như mức độ đáp ứng với các biện pháp điều trị của bệnh nhân. Hình ảnh trên phim X-quang gợi ý Lao phổi tiến triển là thâm nhiễm, nốt, hang, xơ hang, có thể co kéo ở 1/2 trên của phế trường, có thể 1 bên hoặc 2 bên. Đa số trường hợp điều trị Lao phổi đều cần thực hiện kỹ thuật này suốt quá trình điều trị.
– Đồng thời, các mẫu đờm thu thập cùng lúc hay qua nhiều ngày cũng sẽ được sử dụng để thực hiện xét nghiệm kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn Lao trong mẫu bệnh phẩm.
Những kỹ thuật này rất quan trọng trong việc giúp xác định chẩn đoán, quyết định phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh cũng như lập kế hoạch phòng chống lây nhiễm cho gia đình người bệnh và cộng đồng.
2, Chẩn đoán Lao ngoài phổi:
Một số kỹ thuật cận lâm sàng có thể được sử dụng để xác nhận khi có nghi ngờ lao ngoài phổi, như lao màng phổi, lao màng tim, lao màng bụng, lao màng não, lao xương khớp, lao hạch và các tạng trong ổ bụng, cơ quan sinh sản … Những kỹ thuật cận lâm sàng này bao gồm :
– Chụp hình cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hoặc siêu âm phần cơ thể bị ảnh hưởng.
– Nội soi kiểm tra các khoang bên trong cơ thể bằng một ống dài, mỏng với nguồn ánh sáng và máy thu hình gắn ở đầu ống. Ống nội soi có thể được đưa vào qua một lỗ mở tự nhiên như miệng hay hậu môn hoặc qua một vết cắt nhỏ trên thành bụng.
– Xét nghiệm kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn Lao trong các mẫu bệnh phẩm được nghi ngờ : Nước tiểu, máu, dịch não tủy, dịch màng phổi, dịch màng bụng, dịch hạch, mủ hay sinh thiết để lấy một mẫu mô nhỏ hoặc bệnh phẩm lấy từ cơ quan bị ảnh hưởng.
Các xét nghiệm chẩn đoán Lao phổ biến hiện nay
Xét nghiệm chẩn đoán Lao phổi là các xét nghiệm được chỉ định trong chẩn đoán, phát hiện và điều trị bệnh Lao, bao gồm : xét nghiệm nhuộm soi, xét nghiệm nuôi cấy, xét nghiệm sinh học phân tử, xét nghiệm giải phẫu bệnh (sinh thiết) và một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán khác, …
– Xét nghiệm nhuộm soi – Niehl-Neelsen : Độ nhạy của phương pháp này khá thấp, chỉ đạt 30-40% khi soi chỉ 1 mẫu bệnh phẩm và 65-75% khi đối chiếu nhiều mẫu bệnh phẩm.
– Xét nghiệm nuôi cấy : Thời gian có kết quả khá lâu từ 3 – 6 tuần, quy trình thực hiện phức tạp, cần nhiều thời gian để có được kết quả chính xác .
– Xét nghiệm sinh học phân tử PCR Lao : Kỹ thuật khuếch đại gene để phát hiện gene của vi khuẩn Lao trong mẫu bệnh phẩm. Là kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay trong việc chẩn đoán lao, có ưu điểm là độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao, kết quả nhanh trong ngày, thực hiện được trên các mẫu bệnh phẩm đa dạng như dịch đờm, dịch phế quản, dịch màng phổi, dịch màng bụng, dịch não tủy, dịch mủ, dịch hạch, mô.
Những ai nên làm xét nghiệm Lao ?
Nhằm ngăn chặn bệnh lý bệnh truyền nhiễm này lây lan trong cộng đồng cũng như mức độ tổn thương của nó, có một số đối tượng nhất định nên được chủ động xét nghiệm nhiễm lao vì có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn lao cao hơn dân số chung, bao gồm :
– Những người nghi ngờ Lao phổi : Ho kéo dài trên 3 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi Lao quan trọng nhất .
Các trường hợp có bất thường trên X-quang phổi đều cần xem xét phát hiện Lao phổi .
– Những người đã chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh Lao .
Những người sống hoặc làm việc trong môi trường rủi ro cao như cơ sở cải huấn, cơ sở chăm sóc dài hạn, viện dưỡng lão hay nhà tạm trú vô gia cư …
– Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh Lao .
Trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên tiếp xúc với người lớn có nguy cơ nhiễm bệnh lao tiềm ẩn hoặc bệnh Lao thực sự .
Hầu hết người bị nhiễm lao tiềm ẩn có tỷ lệ rất thấp phát triển bệnh lao. Tuy nhiên, có một số người bị nhiễm lao tiềm ẩn lại có khả năng mắc bệnh lao hơn những người khác, bao gồm:
– Người nhiễm HIV .
– Có tiền sử mắc bệnh Lao trong vòng 2 năm gần đây hoặc những người không được điều trị đầy đủ theo phác đồ bệnh Lao từng mắc trước đây.
– Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có tiếp xúc với người đang mắc hoặc có nghi ngờ nhiễm Lao.
– Những người tiêm chích ma túy .
– Những người bị suy yếu hệ thống miễn dịch .
– Người cao tuổi .
Tóm lại, với những kỹ thuật cận lâm sàng giúp chẩn đoán sớm bệnh Lao đang được thực hiện, khả năng kiểm soát dịch tễ Lao trong cộng đồng ngày càng được nâng cao. Đồng thời, mọi người cần hiểu biết về việc ai nên làm xét nghiệm Lao để chủ động đi tầm soát cho chính mình và người thân trước khi vi khuẩn Lao gây tổn thương các cơ quan và để lại di chứng không hồi phục.
Các biện pháp phòng tránh bệnh Lao
– Thực hiện tiêm vắc xin ngừa lao phổi cho trẻ trong tháng đầu sau khi sinh.
– Cẩn thận thực hiện các phương pháp phòng tránh khi tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi như đeo khẩu trang, găng tay, không chạm vào vết thương hở của người bệnh, …
– Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
– Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, làm việc, tăng cường ánh ánh mặt trời.
– Không sử dụng chung các đồ dùng cá nhân, các vật dụng ăn, uống với bệnh nhân.
Ngoài ra, bệnh nhân Lao phổi cũng có thể phòng tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh bằng các cách sau :
– Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, khi đến các nơi đông người nên đeo khẩu trang,…
– Không sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, ma túy, …
– Ăn uống đủ chất, tăng sức đề kháng, thể lực cho cơ thể, …
Tự hào là bệnh viện tư nhân đầu tiên ra đời ở Quảng Nam, khám chữa bệnh uy tín, chất lượng, đội ngũ các y bác sĩ chuyên môn, kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, phục vụ và chăm sóc bệnh nhân tận tình, BVĐK Vĩnh Đức cung cấp dịch vụ xét nghiệm Lao bằng phương pháp Real-time PCR với độ nhạy, độ đặc hiệu cao, cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại về chụp hình cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, siêu âm, nội soi, đưa ra kết quả chính xác, có kết quả trong ngày, từ đó có các chẩn đoán bệnh Lao hoặc loại trừ Lao với các bệnh viêm đường hô hấp, bệnh nhiễm vi khuẩn, virus khác để có hướng điều trị kịp thời.
🏥 Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức
✔️Quốc lộ 1A, Phường Điện Nam Trung, Thị xã Điện Bàn,Tỉnh Quảng Nam
☎Hotline cấp cứu: 0235 3 767 555
☎Hotline CSKH: 0235 2 46 46 44