Phẫu thuật sọ não điều trị tụ máu dưới màng cứng mạn tính

Bệnh nhân phục hồi bình thường sau khi mổ
Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức Quảng Nam triển khai kỹ thuật “Phẫu thuật sọ não điều trị tụ máu dưới màng cứng mạn tính”.
Vừa qua, ông N H Đ (65 tuổi, trú thị xã Điện Bàn) có tiền sử bị tai nạn giao thông cách đây 03 tháng. Thời gian gần đây, ông Đ thường xuyên bị đau đầu, nôn mửa, chóng mặt mỗi khi thay đổi tư thế, mắt phải nhìn ngày càng mờ, yếu nửa người phải, không thể tự sinh hoạt cá nhân. Vì vậy gia đình quyết định đưa ông Đ đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức thăm khám và điều trị.
Qua các triệu chứng lâm sàng và kết quả chẩn đoán hình ảnh cộng hưởng từ CT scanner phát hiện người bệnh T. có tụ máu và tụ dịch dưới màng cứng lan tỏa bán cầu não trái, chỗ dày nhất #22 mm, chèn đẩy nhu mô não sang phải, chèn ép não thất bên trái, di lệch đường giữa qua Phải #15 mm.
Người bệnh được Bs Khoa Ngoại chỉ định phẫu thuật lấy máu tụ dưới màng cứng mạn tính.
Để lấy máu tụ dưới màng cứng cho người bệnh, ekip mổ đã khoan sọ một lỗ, bơm rửa, lấy bỏ khối máu tụ nhằm làm giảm áp lực chèn ép nhu mô não. Đây là phương pháp tối ưu, mang lại hiệu quả cao, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công sau 45 phút. Sau phẫu thuật, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, hết đau đầu, thể trạng ổn định, mắt sáng trở lại, hết yếu liệt, có thể tự vận động sinh hoạt lại bình thường.Trong 2 ngày đầu, người bệnh được khuyến khích hạn chế vận động tối đa, tránh ngồi dậy. Sau đó, có thể vận động nhẹ nhàng và ăn uống bình thường và được xuất viện sau 4 ngày điều trị.
Bs CKII Trương Quang Nhân cho biết: “Máu tụ dưới màng cứng là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi do các mạch máu trên vỏ não trở nên yếu hơn khiến chúng dễ bị tổn thương và gây chảy máu. Mặt khác, càng lớn tuổi não bị teo nhỏ làm khoảng cách giữa nhu mô não và hộp sọ tăng lên, điều này làm căng các mạch máu và khi bị chấn thương ở đầu sẽ làm cho chúng dễ bị tổn thương và gây chảy máu. Một số trường hợp có tiền sử chấn thương trước đó, trong khi một số khác không có bệnh sử chấn thương rõ ràng. Vì vậy, đòi hỏi Bác sĩ chuyên khoa phải khai thác bệnh sử, khám lâm sàng kỹ và thực hiện các chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao (CT – Scan hoặc MRI) để đánh giá chính xác mức độ tổn thương. Tùy theo mức độ, máu tụ dưới màng cứng có thể được điều trị bảo tồn bằng nội khoa hoặc phẫu thuật. Vì vậy, người bệnh khi có chấn thương hoặc nghi ngờ có chấn thương đầu cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời, giúp người bệnh không để lại những biến chứng nguy hiểm.”
“Đầu tư kỹ thuật cao, coi trọng đào tạo nhân lực, phát triển dịch vụ mới luôn là phương châm phát triển của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức”, như chia sẻ lãnh đạo bệnh viện.
(Bs CKII Trương Quang Nhân – Khoa ngoại Bệnh viện Vĩnh Đức)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *