Giảm đau ngoài màng cứng trong quá trình chuyển dạ.

Sự đau đớn trong quá trình sinh nở đã trở thành nỗi ám ảnh đối với bất kì người phụ nữ nào đã và sắp trở thành mẹ. Với sự phát triển của y học hiện đại, phương pháp gây tê ngoài màng cứng đã ra đời và được ví von giống như một phương pháp “đẻ không đau” giúp cho cuộc chuyển dạ thoải mái hơn.
Giảm đau ngoài màng cứng là gì? Thực hiện như thế nào?
Giảm đau ngoài màng cứng là phương pháp hiệu quả nhất giúp giảm đau trong quá trình chuyển dạ. Bác sĩ gây mê sẽ tiến hành tiêm thuốc gây tê vào khoang ngoài màng cứng tại phòng sinh để giúp sản phụ giảm đau. Sản phụ có thể cảm nhận được các cơn gò tử cung nhưng không còn cảm thấy đau nữa, và khi cổ tử cung mở hết, sản phụ vẫn rặn đẻ bình thường.
Thông thường, phương pháp giảm đau ngoài màng cứng được thực hiện khi cổ tử cung đã mở 2-3 cm và sản phụ đang trong giai đoạn chuyển dạ tích cực.
Sản phụ sẽ được đặt một đường truyền tĩnh mạch trước khi làm giảm đau ngoài màng cứng. Sản phụ cần ở tư thế cong lưng để giúp mở rộng cột sống và giữ yên tư thế trong suốt quá trình gây tê ngoài màng cứng. Thủ thuật này có thể thực hiện ở tư thế nằm nghiêng, hoặc ngồi ở tư thế sát cạnh giường và đầu dựa vào vai người hỗ trợ. Vùng thắt lưng của sản phụ sẽ được sát khuẩn và chỉ một vùng nhỏ tại vị trí chọc kim sẽ được gây tê tại chỗ. Kim gây tê ngoài màng cứng được đưa vào giữa hai đốt sống thắt lưng và đi vào khoang ngoài màng cứng; một ống thông là ống nhựa rỗng kích thước rất nhỏ, sẽ được luồn qua kim gây tê. Đôi khi, ống thông có thể chạm vào dây thần kinh trong quá trình luồn ống gây ra cảm giác điện giật nhẹ hoặc tê rần xuống một chân. Sau đó kim sẽ được rút ra cẩn thận và ống thông sẽ được dán cố định vào lưng bệnh nhân.
Một liều nhỏ thuốc gây tê tại chỗ sẽ được bơm qua ống thông ngoài màng cứng để thử nghiệm, sản phụ được yêu cầu thông báo nếu có bất kỳ cảm giác nào khác lạ như chóng mặt, có vị kim loại bất thường trong miệng, cảm giác tê cứng đột ngột, hoặc hai chân trở nên nặng và yếu. Huyết áp của bệnh nhân sẽ được kiểm tra liên tục vì huyết áp có thể giảm. Nếu vị trí gây tê ngoài màng cứng đã đạt yêu cầu và liều thử nghiệm đã an toàn, bác sĩ sẽ tiêm thêm liều bổ sung thuốc gây tê. Sản phụ sẽ bắt đầu cảm thấy cơn đau giảm đi trong khoảng 10 phút. Sau đó, thuốc gây tê sẽ được đưa qua ống thông ngoài màng cứng bằng cách tiêm lặp lại liều bổ sung hoặc truyền liên tục hoặc sử dụng máy PCA (sản phụ tự kiểm soát cơn đau) cho đến khi sản phụ sinh em bé. Khi em bé đã chào đời, ống thông ngoài màng cứng được rút ra và hai chân của sản phụ sẽ trở lại bình thường trong vòng vài giờ.
Gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng tới em bé không?
Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp an toàn đối với trẻ sơ sinh. Bởi vì phương pháp này chỉ ngăn chặn dẫn truyền thần kinh (cảm giác đau), thuốc được tiêm trực tiếp vào rễ dây thần kinh, hạn chế tối đa nồng độ thuốc trong máu nên không làm ảnh hưởng gì tới thai nhi.
Gây tê ngoài màng cứng làm hết đau hoàn toàn không?
Sau khi gây tê ngoài màng cứng khoảng 10 phút, cơn đau do cơn co tử cung sẽ giảm đi nhiều và dễ chịu hơn (kéo dài cả đến khi khâu tầng sinh môn). Sản phụ vẫn sẽ cảm nhận thấy cảm giác tức nặng lên vùng hậu môn, âm đạo và đó là động lực để rặn đẩy em bé ra ngoài khi cổ tử cung mở hết
Vì lý do kỹ thuật hoặc giải phẫu học mà có thể xảy ra trường hợp đặt ống thông ngoài màng cứng không thành công hoặc thuốc gây tê đã tiêm không có hoặc ít có tác dụng. Tỷ lệ thất bại khi giảm đau ngoài màng cứng trong quá trình chuyển dạ khoảng 5%.
Nếu không sinh được phải chuyển mổ thì làm thế nào?
Nếu sinh mổ lấy thai thì có thể thực hiện ngay dưới gây tê ngoài màng cứng, trừ trường hợp rất khẩn cấp phải gây mê. Thuốc tê với lượng và nồng độ cao hơn sẽ được tiêm vào khoang ngoài màng cứng qua ống thông đã có sẵn và cuộc mổ diễn ra bình thường, sản phụ sẽ hoàn toàn không thấy đau.
Tác dụng phụ
Trong thời gian gây tê, sản phụ sẽ có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn. Phổ biến nhất là:
• Tê bì, nặng chân, thường gặp và hết sau khi dừng thuốc
• Tụt huyết áp khiến sản phụ chóng mặt, buồn nôn thoáng quá và dễ dàng phát hiện và điều trị
• Cảm giác run lạnh sẽ tự hết
• Bí tiểu, sản phụ sẽ được thông tiểu nếu cần thiết
Ngoài ra sản phụ còn gặp phải những biểu hiện khác như:
• Sản phụ đau đầu sau gây tê, xuất hiện khi ngồi dậy, mất đi khi nằm, tỷ lệ thấp dưới 1%. Tình trạng đau đầu nhẹ sẽ tồn tại dưới 7 ngày và tự hết, nếu sản phụ bị khó chịu bởi đau đầu, bác sĩ gây mê sẽ lên kế hoạch điều trị.
• Tại vị trí gây tê sẽ bị đau lưng nhưng sẽ tự hết sau một vài ngày, tuy nhiên nguyên nhân của đau lưng lâu dài sau sinh không phải vì gây tê ngoài màng cứng.
• Vùng nào đó ở chân bị tê hoặc mất cảm giác: không phổ biến và hầu như sẽ hết sau khoảng 1 – 3 tháng.
Gây tê ngoài màng cứng – “Đẻ không đau” tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức
• Phương pháp gây tê ngoài màng cứng tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức đã được triển khai rất sớm và đang mang lại hiệu quả lớn với sự hài lòng của bệnh nhân.
• Đội ngũ bác sĩ gây mê, điều dưỡng gây mê lành nghề được đào tạo chuyên sâu.
• Kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ sản, bác sĩ gây mê và bác sĩ nhi sơ sinh.
• Sản phụ cùng thai nhi được theo dõi sát trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật và chuyển dạ, đảm bảo sản phụ một cuộc vượt cạn nhẹ nhàng, an toàn và không đau đớn.

🏥 Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức

✔️Quốc lộ 1A, Phường Điện Nam Trung, Thị xã Điện Bàn,Tỉnh Quảng Nam

☎Hotline cấp cứu: 0235 3 767 555

☎Hotline CSKH: 0235 2 46 46 44