Với đặc thù lao động đa số là nữ, công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp may mặc hiện nay vẫn còn khá thờ ơ với bệnh nghề nghiệp.
Vào ca từ 7h30’ giờ đến 16h30’, có khi tăng ca đến 19h, chị Nguyễn Thị Hương (40 tuổi, trú xã Duy Trung) làm công nhân bộ phận cắt may cho biết gần như ngồi ở bàn may không rời. Chỉ có khoảng một tiếng nghỉ trưa và giữa ca chị Hương mới rời khỏi chỗ làm việc để đứng dậy vận động và giải quyết nhu cầu cá nhân. Sau thời gian dài ngồi máy may liên tục, lưng chị Hương có biểu hiện thoái hóa.
Chị Hương cho biết: “Vào làm, tôi cũng như nhiều chị em tập trung để đáp ứng năng suất nên không chủ động thể dục hay thay đổi tư thế làm việc. 12 năm liên tục nên giờ mới thấy hậu quả của sự thờ ơ với sức khỏe của mình. Tôi đang xin công ty chuyển sang bộ phận ít ngồi một chỗ hơn nhằm cải thiện tình trạng thoái hóa cột sống”.
Những lao động may, cắt thường trẻ nên ít quan tâm đến bệnh nghề, chỉ khi đau quá mới đi khám. Mặc dù đa số các công ty đều tổ chức khám sức khỏe hàng năm nhưng đa phần lao động công nhân cũng không biết bệnh nghề nghiệp của mình là những bệnh nào để khám chuyên sâu hơn.
Hiện nay, bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh thoái hóa đốt sống và thoái hóa khớp gối ở tuổi đời còn rất trẻ. Thấu hiểu được những khó khăn của lao động trẻ ngại “khám thì ra bệnh” Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức đã phối hợp với công ty Phước Kỳ Nam (Khu công nghiệp Duy Trung) tổ chức buổi tập huấn nâng cao nhận thức về bệnh nghề nghiệp. Dưới sự hướng dẫn của Thạc sỹ Bác sỹ Phạm Nguyễn Hoàng Vy – Phó trưởng khoa Đông y Phục hồi chức năng buổi tập huấn đã giúp lao động trẻ ý thức hơn về sức khỏe của mình, nâng tầm chất lượng công việc và cả cuộc sống.